Tinh Thần Khai Phóng Và Dấu Ấn Cá Nhân
Đậm Nét Qua Các Bộ Sưu Tập Của Sinh Viên Hoa Sen
Khoa Thiết Kế – Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu
Fashion Creation Show của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang – Khoa Thiết kế Nghệ thuật – Trường Đại học Hoa Sen đã trở thành một sự kiện thường niên “gây thương nhớ” đối với công chúng yêu thời trang. Không chỉ được những chuyên gia hàng đầu đánh giá cao từ khâu tổ chức đến chất lượng của từng đồ án, điều đặc biệt khiến Fashion Creation dù trải qua 10 mùa nhưng luôn chiếm được vị trí ưu ái trong lòng quý khán giả chính là nhờ tinh thần khai phóng khác biệt và bản sắc cá nhân độc đáo của mỗi sinh viên.
Đâu là “cái nôi” nuôi dưỡng cho tinh thần khai phóng được hình thành và phát triển? Hiểu được sự chuyển biến của nền kinh tế xã hội và khoa học công nghệ, trường Đại học Hoa Sen đã đưa giáo dục khai phóng (GDKP – Liberal Arts Education) làm nền tảng cho những hoạt động giáo dục tại nhiều ban ngành. Có thể nói rằng, sinh viên của ngành Thiết
kế thời trang đã thực sự lĩnh hội và truyền tải được tất cả những gì mà giáo dục khai phóng
đem lại qua từng tác phẩm nghệ thuật cá nhân.
Không một giới hạn nào có thể gói ghém một cách đầy đủ nhất ý nghĩa của tinh thần khai phóng trong giáo dục. Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu, đó cũng chính là lý do những sinh viên ngành Thiết kế Thời trang được thoả sức sáng tạo, thoả sức thể hiện bản sắc cá nhân mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ rào cản nào.
Tinh thần khai phóng qua các tác phẩm được nhấn mạnh ở cái hồn, cái tinh tế ẩn sau từng mảng màu, từng chất liệu vải, từng đường kim mũi chỉ… Mỗi một BST đều mang một dấu ấn cá nhân, mỗi nhà thiết kế trẻ đều giống như “storyteller” kể lại câu chuyện của chính mình một cách rất riêng, chia sẻ trải nghiệm của mình qua từng nền văn hoá, qua từng chất liệu thực của đời sống. Lâm Chí Cường với “Origin” đã lột tả rõ nét tinh thần khai phóng xuất phát từ những điều vô cùng quen thuộc: “Tôi được truyền cảm hứng bởi quê hương nơi tôi thuộc về. Mọi thứ đều là quê hương của tôi, những thứ quen thuộc với
tôi từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành và đại diện cho cội nguồn của tôi… Tính đơn giản là thử thách của tôi, vì nó rất dễ dàng để làm quá mọi thứ. Một bộ sưu tập phản ánh không chỉ cội nguồn mà còn cả tinh thần kiên định của tôi”.
Hay “Definition” của Đinh Thu Hà với sự sáng tạo vô tận khi kết hợp biểu tượng văn hoá đa quốc gia: “BST lấy cảm hứng từ hai nhân vật nữ quyền lực: Gorgo – Nữ hoàng Sparta và Nakano Takeko – một chiến binh Nhật Bản. Cả hai người phụ nữ đều được biết đến với lòng dũng cảm, trí tuệ và sức ảnh hưởng đến cộng đồng của họ. Ý tưởng thiết kế của bộ sưu tập này kết hợp những tấm màn mềm mại gợi nhớ đến Hy Lạp cổ đại và kỹ thuật xếp lớp lấy cảm hứng từ các công trình trang phục truyền thống của Nhật Bản. Các thiết kế đều ẩn chứa thông điệp về một sự cân bằng mạnh mẽ nhưng tinh tế giữa sức mạnh và sự duyên dáng”.
Tinh thần khai phóng không chỉ là sự tự do khi dám đặt chân tới nhiều vùng xứ sở, “sử dụng” chính văn hoá để làm chất liệu chính, mà nó còn nằm ở tầm nhìn độc đáo về sự chuyển động vật chất xung quanh cuộc sống. Với Thuý An, để bắt tay để xây dựng từng bộ phận của “Erudite”, Thuý An đã lấy cảm hứng về cuộc đời của Albert Einstein – một nhà khoa học vĩ đại. “Những nghiên cứu và định luật của ông khiến tôi liên tưởng đến các khối hình học, và tôi thấy nó thực sự thú vị, vì khi nhìn chúng từ những góc độ khác nhau, tôi sẽ thấy những hình khối khác nhau, cũng giống như cách mọi người nhìn nhận con người của Einstein. Sự kết hợp giữa trompe-l’oeil và các khối hình học để tạo nên những bộ đồ thể tích có cấu trúc phức tạp, hình thức và thể tích thay đổi tùy theo hướng mọi người nhìn bộ đồ”, Thuý An chia sẻ.
Mới nghe qua “tinh thần khai phóng”, những tưởng đó phải là những gì hoa mỹ cầu kỳ, nhưng trái lại nó đến từ những điều bình dị nhất, gần gũi nhất, là chi tiết “ẩn nấp” ngay trong chính những khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
“Khoảnh khắc tôi và mẹ cùng nhau nấu ăn trong bếp từ thời thơ ấu đã tạo nên nguồn cảm hứng nghệ thuật cho bộ sưu tập “Savor The Moment”. Khi tôi còn là một cô gái bé nhỏ, tôi thường dành thời gian vào bếp giúp mẹ làm những việc lặt vặt như lột vỏ củ hành, tỏi và băm nhuyễn… khi lớn lên, tôi nhận ra quãng thời gian được ở bên mẹ không còn nhiều như trước, những giây phút tôi đứng trong bếp lột vỏ từng củ tỏi, băm nhuyễn những củ hành hay những trái ớt đỏ lại gợi nhớ về những ngày thơ ấu vô lo vô nghĩ, được quấn quýt bên mẹ, mang đến cho tôi cảm giác bình yên đến nhường nào. Có thể nghe rất lạ lùng nhưng đối với tôi đó là một trong hàng ngàn những điều nhỏ bé diệu kỳ xoay quanh cuộc sống này mà tôi muốn lưu giữ… Với thông điệp của câu chuyện và việc nhấn mạnh các chi tiết nhỏ trong quá trình thiết kế, bộ sưu tập cũng là một lời mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống và hạnh phúc dưới một góc nhìn rộng hơn”, cảm xúc của Phi Các khi thực hiện đồ án tốt nghiệp.
Điểm qua những BST mang dấu ấn cá nhân đậm nét, ta lại càng thêm nể phục và ngưỡng mộ khả năng hiếu kì của những nhà thiết kế trẻ với từng ngóc ngách sáng – tối của cuộc sống thường nhật, sự thích ứng vô cùng linh hoạt với những biến động của xã hội và hơn thế nữa là đề cao sự hạnh phúc, đi vào sâu bên trong nội tâm để hiểu chính mình. Đó chính là hệ quả những giá trị của tinh thần khai phóng trong giáo dục mang đến, giống như quan điểm của nhà sư phạm người Thuỵ Điển Ellen Key khi nói về tính ưu việt của giáo dục khai phóng: “Giáo dục có thể cho bạn một kỹ năng, nhưng giáo dục khai phóng có thể đem lại cho bạn phẩm giá”.
Trường Đại học Hoa Sen – môi trường nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng của thế hệ trẻ, từ lâu đã đặt triết lý tôn trọng sự khác biệt là xương sống của nền tảng giáo dục. Chính vì điều đó, sinh viên Hoa Sen nói chung và sinh viên ngành Thiết kế Trời trang nói riêng được thoả sức sáng tạo với tinh thần khai phóng, tự do thể hiện bản sắc cá nhân, độc lập trong suy nghĩ, tự quyết, chấp nhận sự đa dạng và sự khác biệt của người khác, thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân và các xã hội với nhau.
“Một xã hội tiến bộ bao giờ cũng trân trọng những khác biệt cá nhân bởi nó tìm thấy ở đó phương tiện cho sự tăng trưởng của chính nó. Vì thế, một xã hội dân chủ, phù hợp với lý tưởng của nó, bắt buộc phải cho phép tự do trí tuệ và sự phát huy các năng khiếu và hứng thú đa dạng tồn tại trong các biện pháp giáo dục” – John Deway.